Lão thị là một biến đổi sinh lý về chức năng nhìn gần của mắt do ảnh hưởng của tuổi
Theo thời gian, càng lớn tuổi, khả năng đàn hồi của thủy tinh thể giảm dần, dẫn đến khả năng nhìn gần của mắt cũng giảm dần. Vì vậy, ở những người tuổi trung niên (thường từ 40 tuổi) khi nhìn gần hoặc đọc sách sẽ thấy mờ, và để nhìn rõ người đó phải đưa sách ra xa mắt. Đó là tình trạng lão thị.
Lão thị không phải là một bênh lý. Đó là một quá trình lão hóa của mắt và được điều trị dễ dàng bằng đeo kính điều chỉnh.
Người bị lão thị sẽ cảm thấy mắt mờ khi nhìn gần, ví dụ như khi đọc sách, khâu vá…
Khi đọc sách, người bị lão thị không nhìn rõ những chữ nhỏ, hoặc đọc sách một thời gian sẽ thấy chữ bị nhòe, nhìn không rõ. Sau khi ngưng đọc một thời gian, tiếp tục đọc lại thì chữ có thể rõ lại như ban đầu.
Muốn đọc sách rõ cần phải tăng thêm ánh sáng hoặc đưa sách ra xa mắt
Khi đọc sách hoặc khâu vá lâu, người lão thị sẽ cảm thấy mỏi mắt và phải đặt sách ở 1 khoảng cách thích hợp.
Điều trị:
Việc điều trị lão thị tương đối đơn giản: Chỉ cần dùng kính điều chỉnh người bị lão thị sẽ cảm thấy nhìn rõ trở lại.
Kính điều chỉnh có thể vừa điều chỉnh lão thị và vừa điều chỉnh cận thị, viễn thị, loạn thị.
Sau khi được chẩn đoán lão thị, người bị lão thị cần phải đeo kính để nhìn gần được rõ ràng, chính xác. Thật ra thì có một số ít người bị lão thị không dùng kính, cố gắng để sách xa mắt vẫn đọc được, có khi phải nheo mắt để nhìn rõ. Tuy vậy sau khi đọc sách hoặc sau khi làm việc sẽ thấy mệt mỏi, nhức trán, nhức đầu do mắt phải điều tiết quá mức.
Người lão thị cần phải khám chuyên khoa mắt để chọn kính đeo thích hợp.
Tiêu chuẩn một kính tốt là đọc được rõ ràng, dùng lâu vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Chất lượng của kính còn phụ thuộc kỹ thuật làm kính, độ nặng của gọng, độ chênh của mắt kính và khoảng cách giữa kính và mắt.
Thông thường người lão thị nên kiểm tra mắt mỗi năm một lần để điều chỉnh độ kính cho phù hợp.
- Giữ cho đôi mắt trong sáng hơn (31.05.2018)
- Viễn thị có nguy hiểm không? (22.05.2018)
- Bạn biết gì về loạn thị? (22.05.2018)
- Bệnh Glôcôm: Những triệu chứng thường bị bỏ qua. (22.05.2018)